Thứ bảy, 20/04/2024 - 13:28|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐỒNG LẠC
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngôi trường đem môn vật cổ truyền vào hoạt động trải nghiệm

"Tùng tùng... tùng.....Tùng tùng...tùng..." Đó là tiếng trống Vật được vang lên từ sân trường của trường TH Đồng Lạc - một hoạt động trong chuỗi các hoạt động trải nghiệm Liên hoan Ẩm thực và các trò chơi dân gian năm học 2020-2021. Tại sân vật, học sinh náo nức cổ vũ còn người đi từ xa như bị cuốn hút thúc giục và mời gọi...

 

         Ngày 1 tháng 4 năm 2021, thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021, nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm với chủ đề: Liên hoan Ẩm thực và các trò chơi dân gian, hoạt động bao gồm làm các món bánh, thư pháp, nét chữ nết người, trò chơi... Trong Liên hoan, đặc sắc và mới lạ nhất là môn đấu vật. Đấu vật là một trò chơi dân gian mang tính cổ truyền ở hầu hết các tỉnh miền Bắc. Các địa phương nổi tiếng với môn vật là: Hà Nội, Bắc Ninh. Hà Tây trước đây... Đối với vùng quê Bắc Giang có Tân Yên và Hiệp Hòa là hai sới vật khá nổi tiếng... Đấu vật dần là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Việt trong mỗi dịp mùa xuân, lễ hội. Nó gắn liền với cuộc sống thường ngày, trong lao động của người Việt. Đám trẻ con ở mọi miền quê thường rủ nhau đấu vật vào những lúc rảnh rỗi hay khi chăn trâu với lũ bạn cùng trang lứa. Nét đẹp đó được thể hiện ở câu ca dao: 

“Ba năm chúa mở khoa thi

Đệ nhất thi vật, đệ nhì thi bơi...

      Hiểu rõ nét văn hóa đặc sắc, tính thượng võ, vui nhộn, tốt cho rèn luyện sức khỏe trong môn vật. Thầy Nguyễn Văn Định, Tổng phụ trách đã thành lập đội tuyển huấn luyện các em học sinh kĩ thuật môn vật, từ trọng tài, săn sóc viên đến người cầm trịch (đánh trống) đều là các em học sinh. Các “miếng” vật độc, lạ như: "Sườn, Gồng, Bốc", để quật ngã đối thủ một cách nhanh nhất được các em học sinh tiếp thu rất nhanh. Hay nhất là màn Se đài, các em đã thực hiện các động tác bái tổ (tôn sư trọng đạo), đầy tính tâm linh, tuân theo nguyên tắc “3 lên, 3 xuống, 3 ra, 3 vào”. Đấy cũng là cách để các đô vật "khoe” được thần thái, cái hay, cái đẹp. Ở mỗi vùng quê, mỗi miền lại có cách se đài riêng.

          Ảnh: Keo vật được các đô vật nhí thể hiện rất tự tin

         Hội vật được diễn ra giữa sân trường với 10 Keo vật, để được vật vào hôm nay, 20 đô vật nhí phải trải qua vòng sơ tuyển là các Keo vật Lèo diễn ra trước đó. Song song với các hoạt động như làm bánh dày, bánh chưng, xôi ngũ sắc, thư pháp, tô tranh,... tiếng trống vật với các đô khố xanh, khố đỏ hòa vào không gian sân trường tràn đầy lời mời tiếng gọi. Ở góc nhìn nào đó, mọi người cảm nhận được đang có một lễ hội của một vùng quê với các hoạt động dân gian. Trải nghiệm để bảo tồn và được phát huy trong môi trường giáo dục thật nhất, hiệu quả nhất là đây.

           Ảnh: Các em đang thể hiện phần viết chữ thư pháp và tô tranh

          Ảnh: Nhóm Âu Cơ gói bánh chưng

      Góc thư pháp, tô tranh và các trò chơi dân gian kết thúc mọi người cùng dung dăng đi thăm các gian ẩm thực của các nhóm lớp. Các món ăn được bày biện thật đẹp mắt. Hơi ấm vị vôi của nồi bánh đúc, mùi lá của nồi bánh chưng, hương vị xôi, bánh dày xen lẫn vào làn khói như níu giữ chân người thăm quan.

     Phần tạo ra sự chờ đợi háo hức không kém là phần thưởng thức ẩm thực tập trung. Toàn trường từ đại biểu, phụ huynh, thầy cô giáo và các em học sinh cùng ngồi ra chiếu tại mái che sân trường. Ngoài các món bánh, xôi tự làm được bày ra mâm, nhà trường còn mua cho các em giò lụa, chả quế. Trên tay em nào cũng cầm bát đũa được các em chuẩn bị từ nhà đem đi, thêm một trải nghiệm về tự phục vụ, tự chăm sóc, tự chủ... Các em ngồi thành vòng tròn, trên đầu đội những chiếc mũ mà tự tay các em thiết kế theo nhóm, thể hiện ý nghĩa, nội dung công việc của nhóm mình, gương mặt của các em rạng ngời niềm hạnh phúc, nhìn vào ai cũng có thể nhận biết được các em học sinh vừa trải qua công việc gì mà các em vừa được làm, được trải nghiệm.

        Ảnh: Vui vầy bên mâm cỗ các em đã góp công cùng nhau làm ra

      Phụ huynh, thầy cô vui vẻ ngồi cùng các em, câu chuyện xen tiếng cười. Đến trường các em không những được học văn hóa, mà các em được "Học ăn, học nói, học gói, học mở" như lời cô giáo Phan Thanh Linh - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu trước khi các em phá cỗ. Tác giả bài viết xin phép được dùng từ "phá cỗ" mà chỉ có Trung thu mới thường được dùng. Thiết nghĩ đây là một bữa cỗ có nhiều trẻ con nhất. Các em được ngồi cùng nhau không chỉ trong các buổi học mà còn được ngồi cùng nhau thưởng thức một bữa liên hoan để từ đó hiểu nhau hơn, trân trọng nhau hơn. Và hơn thế nữa đó là sự biết ơn cha mẹ, thầy cô đã quan tâm, tạo ra sân chơi với những hoạt động bổ ích này. Hôm nay, các em không chỉ thưởng thức sản phẩm của mình làm ra bằng vị giác mà còn bằng tất cả các giác quan... cảm xúc của các em. Chắc chắn đây là một kí ức mà các em sẽ nhớ mãi trong cuộc sống của các em mai này.

                                                                              Nguyễn Văn Định

                                                       (Trường TH Đồng Lạc- Yên Thế- Bắc Giang)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết